Ý kiến bạn đọc
Sự kiện nổi bật
Đây là thức ăn chính của hầu hết các giống cá cảnh. Thức ăn động vật lúc nào cũng có sẵn trong môi trường sống thiên nhiên của cá với đủ các kích thước khác nhau như hồng trần, thuỷ trần, bọ gậy (loài có kích thước bé) hay giun đất, tôm tép, cua đồng (loài có kích thước lớn).
– Cung quăng (bọ gậy): là ấu trùng của muỗi, sinh sôi nảy nở nhiều ở các thùng, bình chứa nước hoặc ở các ao hồ mương rãnh. Bọ gậy cũng như hồng trần, thuỷ trần thích tụ tập nổi lên từng đám dày đặc trên mặt nước yên tĩnh. Muốn vớt phải dùng vợt làm bằng vải mùng và nhanh tay vớt phần mặt, nếu không chúng thấy động là biến ngay cả lũ xuống đáy nước. Bọ gậy sau khi vớt về cũng cần xả nước sạch bằng cách ngâm trong thau nước rồi mới vớt lên cho cá ăn.
– Trùng bánh xe Rotatoria thuộc ngành Giun tròn Nemathelminthes là nhóm động vật không xương sống rất nhỏ (1-3mm) tìm thấy ở ao và vũng nước ngọt. Những loài phổ biến nhất là Brachionus rubens và Hydatina senta. Có thể dùng vợt dài 60cm, đường kính vợt 15cm với lưới bằng nilông mịn mặt đặt ở chỗ nước tĩnh. Trùng bánh xe là thức ăn quan trọng của cá bột và cá ăn nổi.
– Hồng trần, thuỷ trần (trứng nước): là loài sinh vật rất nhỏ sống ở nơi ao tù nước đọng. Chúng có khả năng sinh sản nhanh nên những những ao hồ có hồng trần, thuỷ trần luôn dày đặc những mảng màu đỏ. Dùng loại vợt làm bằng vải nylon để vớt hồng trần, thuỷ trần vào sáng sớm. Khi vớt hồng trần, thuỷ trần về cần phải ngâm trong thau nước sạch khoảng vài giờ cho lắng hết những chất dơ, sau đó vớt ra cho vào một thau nước sạch lần nữa rồi mới vớt cho cá ăn.
– Giun chỉ: Giun chỉ là loại trùn có thân mình nhỏ như sợi chỉ và ngắn độ ba bốn phân, màu đỏ như màu trùn huyết nên nó còn có tên là trùn đỏ. Giun chỉ sống thành từng “núi” tại những nơi có dòng chảy mạnh như cống hoặc đáy sông và cả những nơi ao tù nước đọng. Giun chỉ ăn những chất hữu cơ thối rữa tản mạn trong lớp bùn đất như các loại xác chết động vật…nên chúng có nhiều chất đạm trong cơ thể rất tốt cho cá. Bạn nên cho cá ăn trùng vào buổi sáng chứ không nên cho ăn vào buổi chiều, và cho ăn với số lượng vừa phải, nếu quá dư thừa sẽ làm bẩn nước gây độc hại cho cá.
– Giun đất: Giun đất là thức ăn khoái khẩu của tất cả giống cá cảnh. Giun đất là loài nhuyễn thể, mình có nhiều đốt, kỵ ánh sáng nên chúng đào hang sống dưới đất, sinh sôi nảy nở nhanh. Giun đất ăn đất và các thức ăn hữu cơ vương vãi trong đất.
– Bọ một mắt hay con độc nhãn Cyclops cũng là một nhóm sinh vật nhỏ thuộc bộ Chân kiếm Copepoda lớp Giáp xác, ngành Chân khớp như Rận nước. Thường nhỏ hơn Daphnia có màu xanh xám. Chúng là thức ăn tốt cho cá săn bắt mồi. Không nên cho chúng vào bể nuôi sinh sản nếu thấy chúng có mang theo trứng hay con.
– Cá con: dùng làm mồi cho cá lớn hơn như cá rồng, cá tai tượng…
– Tôm đồng, ốc sên, tim gan bò… băm nhuyễn: Cũng là thức ăn bổ cho cá cảnh
Cá cảnh có thể ăn được những thứ thức ăn do chúng ta tự chế nếu việc tìm kiếm thức ăn tươi cho cá quá khó và để thay đổi khẩu vị cho cá. Mặt khác, do thói quen ăn tạp có sẵn khi cá sinh sống trong môi trường thiên nhiên nên cá cũng dễ thích nghi với thức ăn hỗn hợp.
Thức ăn hỗn hợp là những thức ăn do người nuôi chế biến ra với mục đích thay thế thức ăn động vật, thức ăn thiên nhiên một khi nó bị khan hiếm hoặc người nuôi không có đủ điều kiện thời gian để vớt (bọ gậy, trứng nước, rong bèo) hoặc đào (trùn chỉ) về làm thức ăn cho cá. Trong những ngày đầu có thể cá sẽ chê mồi và không ăn hoặc ăn rất ít, tuy nhiên sau cũng sẽ quen dần.
Thức ăn hỗn hợp gồm có:
– Cơm nguội, ruột hoặc vụn bánh mì: Những thứ này hầu như loài cá nào cũng ăn được, chú ý là cho ăn với số lượng vừa phải để không làm bẩn nước.
– Cám hỗn hợp: loại cám hỗn hợp hay thực phẩm hỗn hợp dành cho gia súc gia cầm cũng có thể là món khoái khẩu với các lọai cá chép, tai tượng và ngay cả cá vàng (nếu bạn tập cho chúng quen ăn). Trong thức ăn này có sẵn những thứ như cám gạo, bột bắp, bánh dầu, bột cá, vỏ sò, bột xương…rất bổ cho cá.
– Thức ăn dành cho cá cảnh: Đây là loại có sẵn trên thị trường tại các cửa hàng cá cảnh, nhiều và rẻ như thức ăn dạng viên cho cá vàng, cá lia thia… Ngoài ra còn có thức ăn đông lạnh như trùn, tim gan bò băm nhuyễn và những thứ này trước khi cho cá ăn cần phải rã đông bằng cách ngâm trong nước ấm, cho ăn với số lượng vừa phải để khỏi làm dơ nước.
Khi ở trong các ao hồ, sông suối, cá thường ăn các loại rong rêu, rau cỏ, rễ cây, bèo tấm…Đây sẽ nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho chúng. Loại thức ăn thực vật này có loài ăn nhiều, có loài ăn ít nhưng chắc chắn cá nào cũng biết ăn. Do vậy, bạn có thể thả thêm vào trong bể những lá xà lách hoặc rau muống để thi thoảng chúng được thay đổi khẩu vị.
Bạn không nên vớt những loài thân giáp thủy sinh ở những nơi có nhiều loài cá sinh sống trong tự nhiên vì chúng có thể mang bệnh vào bể nuôi. Do đó, đối với kiểu thức ăn thủy sinh, bạn cần phải lọc cẩn thận và làm sạch để đảm bảo an toàn tuyệt đối với cá.
Khi đói, cá cảnh sẽ cắm cúi ăn cho đến lúc no nê thì thôi, nếu thức ăn còn dư thì chúng sẽ nhấm nháp thêm chút nữa. Bạn cần chú ý cho cá ăn đúng khẩu phần, không quá dư thừa vì nếu cá ăn quá nhiều sẽ tích tụ mỡ làm giảm tuổi thọ, và còn làm cho nước bị ô nhiễm. Nguyên tắc nuôi cá là cho cá ăn ít nhưng nhiều lần, thường là 3 lần vào 3 buổi trong ngày và lần cho ăn cuối phải cho ăn trước lúc tắt nắng.
Thức ăn chủ yếu của cá cảnh ở trên sẽ giúp bạn chọn được món ăn khoái khẩu và cần thiết cho mỗi giai đoạn phát triển của các chú cá. Do vậy, hãy chăm chút nhiều hơn đến bữa ăn của chúng nhé. Nếu còn cảm thấy băn khoăn điều gì, bạn có thể đến hiệu cá cảnh Phúc Long để được tư vấn trong thời gian sớm nhất. Chúc bạn thành công!
Nguồn:http://cacanhhanoi.com/
Bạn có thể xem thêm:
Các tin khác